- Tháng Hai 5, 2020
- Posted by: admin
- Category: Tin tức
PHƯƠNG PHÁP THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH
Thẩm định giá tài sản vô hình trong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày nay vô cùng quan trọng, tài sản vô hình tạo được những giá trị riêng trên thị trường nhằm đảm bảo doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có những nguồn thu nhập ổn định và cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Giá trị của một doanh nghiệp hiện nay không còn nằm ở các tài sản hữu hình như: Bất động sản, máy móc thiết bị, công trình xây dựng, nhà xưởng…mà nằm ở các tài sản vô hình như: Giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền thương mại, cơ sở dữ liệu, thông tin, nguồn nhân lực, bí kíp kinh doanh, khách hàng,…Đó là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Doanh nghiệp.
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, nhu cầu đầu tư vốn vào doanh nghiệp cũng như hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được diễn ra thường xuyên, do đó việc xác định giá trị doanh nghiệp một cách phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá trị doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn hiện nay, trong việc xác định giá trị doanh nghiệp chính là xác định giá trị tài sản vô hình. Trên thực tế, tài sản vô hình chứ không phải là tài sản hữu hình mới là yếu tố đóng góp phần lớn vào giá trị của các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. Chính vì vậy, cần phải có những phương pháp và chỉ dẫn cụ thể, để giúp các nhà đầu tư có thể xác định giá trị của tài sản vô hình một cách phù hợp.
I. Xác định giá trị tài sản vô hình
Theo Ủy Ban Tiêu chuẩn Thẩm định giá quốc tế “Tài sản vô hình là những tài sản thể hiện ra bằng những lợi ích kinh tế, chúng không có cấu tạo vật chất, mà tạo ra những quyền và những ưu thế đối với người sở hữu và thường sinh ra thu nhập cho người sở hữu chúng”.
Cũng giống như các tài sản thông thường, tài sản vô hình có các đặc điểm sau: (i) Gắn liền với chủ thể nhất định; (ii) Mang lại lợi ích cho chủ thể đó. Ngoài những đặc điểm nêu trên, tài sản vô hình còn có đặc điểm nổi bật, mà chính nhờ đặc điểm này người ta dễ dàng “nhận ra” chúng, đó là không có hình thái vật chất cụ thể.
Hiện nay, tồn tại nhiều cách phân loại tài sản vô hình khác nhau. Theo Luật Thuế Thu nhập của Mỹ, tài sản vô hình có thể chia làm 6 loại cơ bản:
– Các sáng chế, phát minh, công thức tính, quy trình, mô hình, kỹ năng.
– Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật.
– Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá.
– Thương quyền, giấy phép, hợp đồng.
– Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật.
– Các thứ “tương tự” khác. Một thứ được gọi là tương tự, nếu nó tạo ra giá trị không phải nhờ vào các thuộc tính vật chất mà nhờ vào nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó.
Tài sản vô hình giúp doanh nghiệp tạo ra dấu hiệu khác biệt trong thương trường, đồng thời tạo ra những dấu ấn riêng có để đảm bảo doanh nghiệp phát triển, có nhiều cơ hội đặc biệt để đi tới thành công. Để tài sản vô hình mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp, thì việc xác định đúng giá trị của nó là khâu quan trọng nhất.
Trên thế giới hiện nay, có 3 cách tiếp cận trong thẩm định giá trị tài sản vô hình bao gồm: Cách tiếp cận từ thị trường (market approach); cách tiếp cận từ chi phí (cost approach); cách tiếp cận từ thu nhập (income approach). Mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp thẩm định giá khác nhau.
1. Cách tiếp cận từ thị trường: Giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường.
Khi thẩm định giá trị tài sản vô hình, cần lựa chọn và phân tích chi tiết đặc điểm, tính tương đồng của tài sản vô hình so sánh với tài sản vô hình cần thẩm định giá, cụ thể:
– Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình;
– Các điều khoản về tài chính liên quan đến việc mua bán, hoặc chuyển giao quyền sử dụng;
– Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng;
– Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình;
– Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình;
– Các đặc điểm khác của tài sản vô hình.
- Ưu điểm của phương pháp này là kết quả định giá sát với giá trị thị trường, có tính khách quan và có bằng chứng cụ thể về mức giá đã giao dịch trên thị trường.
- Nhược điểm của phương pháp này là:
(i) Trong thực tế, khó tìm được các giao dịch mua bán các tài sản vô hình tương tự trên thị trường và ngay cả khi có thì cũng không đảm bảo sự chính xác của các thông tin sử dụng, do việc người mua và người bán thường giữ bí mật các thông tin này;
(ii) Các tài sản vô hình và sở hữu trí tuệ thường là duy nhất, không có sản phẩm tương tự và mức giá trao đổi cũng không phản ánh thực quan hệ cung cầu trên thị trường;
(iii) Mức độ thiếu chắc chắn trong việc xác định một cách hợp lý giá trị của tài sản vô hình là rất cao.
2. Cách tiếp cận từ chi phí: Ước tính giá trị tài sản vô hình căn cứ vào chi phí tái tạo ra tài sản vô hình giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế, để tạo ra một tài sản vô hình tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.
Cách tiếp cận từ chi phí, dựa trên nguyên tắc kinh tế thay thế và thường bỏ qua số lượng, thời gian của lợi ích kinh tế trong tương lai, cũng như nguy cơ thực hiện trong môi trường cạnh tranh. Chi phí lịch sử chỉ phản ánh chi phí thực tế đã phát sinh tài sản. Chi phí tái tạo hàm ý chi phí hiện tại bỏ ra, để có được một tài sản mới giống hệt tài sản cũ. Chi phí thay thế mới ngụ ý chi phí hiện tại bỏ ra, để một tài sản mới tương tự tài sản cũ. Trong hầu hết các trường hợp, chi phí thay thế mới là phương tiện ước tính chi phí trực tiếp và có ý nghĩa để đánh giá giá trị của một tài sản vô hình. Khi ước tính chi phí thay thế mới, cần phải xem xét về khả năng lỗi thời, công nghệ và tính kinh tế. Công thức để ước tính giá trị tài sản vô hình theo cách tiếp cận từ chi phí như sau:
Giá trị ước tính của tài sản vô hình= Chi phí tái tạo (Chi phí thay thế) – Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất.
- Ưu điểm của cách tiếp cận này là không cần dự đoán các khoản thu nhập, chỉ cần liệt kê các khoản chi phí. Vì vậy, nhân viên thẩm định giá dễ dàng có căn cứ để xác định giá trị của tài sản vô hình.
- Hạn chế của cách tiếp cận từ chi phí là, nó không đo lường các tác động trong tương lai của tài sản và không phù hợp khi áp dụng với một số loại tài sản vô hình được hưởng một số quyền bảo hộ riêng của pháp luật như thương hiệu hay quyền tác giả.
3. Cách tiếp cận từ thu nhập: Xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại. Theo phương pháp này, giá trị tài sản vô hình là giá trị hiện tại của dòng thu nhập có được từ tài sản vô hình trong tương lai với tỷ lệ chiết khấu thích hợp. Có thể tạo ra các dòng thu nhập thông qua việc sử dụng tài sản vô hình, sở hữu tài sản vô hình (ví dụ như thông qua việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình), hoặc hạn chế sử dụng tài sản vô hình.
Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, tùy vào mục đích thẩm định giá, có thể phân tích: Dòng thu nhập từ việc sử dụng tài sản vô hình đối với người sử dụng tài sản vô hình, dòng thu nhập từ việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình đối với người sở hữu tài sản vô hình, hoặc cả hai dòng thu nhập trên.
Tỷ suất chiết khấu theo phương pháp thu nhập, cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền tệ và các rủi ro liên quan tới thu nhập từ tài sản vô hình cần thẩm định.
Ưu điểm của cách tiếp cận từ thu nhập là đem lại kết quả thuyết phục hơn, bởi lẽ giá trị của tài sản vô hình không chỉ được tạo bởi các chi phí mà có cả kỳ vọng của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng bộc lộ hạn chế, đó là, do dựa trên dòng thu nhập trong tương lai và các chi phí tiết kiệm được để định giá nên độ chính xác của phương pháp này, chịu sự tác động lớn của việc ước tính các dòng tiền trong tương lai và cách tính tỷ lệ chiết khấu.
Trên thế giới, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng, căn cứ vào loại tài sản vô hình cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, các thông tin và số liệu về tài sản cần thẩm định giá có thể thu thập được, thẩm định viên cần lựa chọn cách tiếp cận thẩm định giá phù hợp. Về bản chất, việc tính toán đánh giá chỉ mang tính tương đối, giá trị sẽ phụ thuộc nhiều vào mục đích, phương pháp và bối cảnh của việc định giá.
II. Thực tiễn xác định giá trị tài sản vô hình ở Việt Nam
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính ban hành TT số 06/2014 TT – BTC, ngày 7/1/2014 về Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13, liên quan đến Thẩm định giá tài sản vô hình.
Theo Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 13: Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế. Tài sản vô hình được đề cập trong tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình số 13, phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
+ Không có hình thái vật chất, tuy nhiên, một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;
+ Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (Ví dụ: Hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính,…);
+ Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;
+ Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.
Như vậy, quan niệm về tài sản vô hình của Việt Nam cũng giống như thông lệ quốc tế.
Theo quy định của Thông tư này thì, Bộ Tài Chính cũng đưa ra 3 cách tiếp cận trong thẩm định giá tài sản vô hình giống như trên thế giới. Tuy nhiên, những quy định của Bộ Tài Chính cụ thể hơn và mang tính chất hướng dẫn cho các thẩm định viên về giá.
Thứ nhất, Đối với cách tiếp cận từ thị trường:
Để xác định giá trị tài sản vô hình, thẩm định viên về giá phải sử dụng ít nhất 03 tài sản vô hình tương tự để so sánh. Trường hợp chỉ thu thập được thông tin của 02 tài sản vô hình tương tự đã được giao dịch trên thị trường thì kết quả thẩm định giá từ cách tiếp cận thị trường chỉ được dùng để kiểm tra, đối chiếu với kết quả thẩm định giá có được từ cách tiếp cận khác.
Trường hợp, áp dụng cách tiếp cận của thị trường là:
+ Khi có thông tin về tài sản vô hình tương tự được giao dịch hoặc được chuyển giao quyền sử dụng hoặc có thị trường giao dịch;
+ Khi cần đối chiếu kết quả với các phương pháp thẩm định giá khác.
Thứ hai, Đối với cách tiếp cận từ chi phí:
Hiện nay, để định giá giá trị tài sản vô hình, có 02 phương pháp trên cơ sở cách tiếp cận từ chi phí đó là: Phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế. Theo đó, trong thông tư cũng nêu rõ nội dung, căn cứ và cách thức tính toán của hai phương pháp này và điều kiện thực hiện hai phương pháp này trong thẩm định giá tài sản vô hình.
Thứ ba, Đối với cách tiếp cận từ thu nhập:
Thông tư 06/2014, đã đưa ra cụ thể 3 phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình từ cách tiếp cận từ thu nhập gồm: Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm.
Đồng thời, Thông tư cũng nêu rất rõ các nội dung bên trong từng phương pháp và hướng dẫn cách làm cụ thể. Cùng với đó, trong Thông tư cũng nêu cách xác định tỷ suất chiết khấu để sử dụng đối với cách tiếp cận này. Tỷ suất chiết khấu được ước tính thông qua các thông tin từ thị trường của các tài sản vô hình tương tự, có thể là tỷ suất sinh lời trung bình của loại tài sản đó trên thị trường. Tỷ suất chiết khấu đối với dòng tiền được tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định giá thường cao hơn chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC) (do chứa đựng nhiều rủi ro hơn) và thấp hơn tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Riêng đối với các tài sản vô hình có giá trị chiếm đa số trong tổng giá trị của doanh nghiệp đang sử dụng tài sản vô hình đó, có thể cân nhắc sử dụng (WACC) của doanh nghiệp, để làm tỷ suất chiết khấu.
Như vậy, có thể nói Việt Nam cũng đưa ra được những cách tiếp cận, để có thể xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp tương tự như trên thế giới. Việc xác định giá tài sản vô hình có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó giúp doanh nghiệp biết được giá trị tài sản vô hình của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, việc định giá tài sản vô hình ở nước ta hiện nay còn khá mới mẻ và gặp không ít khó khăn, như:
– Thiếu các dữ liệu về kinh tế vĩ mô và vi mô. Khó khăn chính không phải là các kỹ thuật định giá mà là ở các số liệu kinh tế vĩ mô và vi mô làm đầu vào cho mọi kỹ thuật định giá. Ở Việt Nam hiện nay, chưa được thu thập và lưu giữ một cách đồng bộ. Muốn thẩm định giá tài sản vô hình, thẩm định viên về giá phải tự đi tìm từng dữ liệu ở nhiều nguồn lưu giữ khác nhau và rất khó khăn trong việc trích xuất dữ liệu.
– Những điều kiện để có thể thực hiện được các phương pháp định giá còn thiếu. Chẳng hạn như, muốn áp dụng phương pháp cách tiếp cận từ thị trường, đòi hỏi cần phải có thị trường giao dịch và các thông tin của các tài sản vô hình giao dịch trên thị trường, để làm tham chiếu cho tài sản vô hình cần định giá. Tuy nhiên, điều kiện này ở Việt Nam, còn chưa được như ở các nước khác.
– Hệ thống tiêu chuẩn định giá vẫn còn bộc lộ hạn chế. Tiêu chuẩn thẩm định số 13 đã bổ sung thêm hành lang pháp lý cho quá trình định giá, nhưng chưa thực sự sát với thực tế. Vì chưa có quy chuẩn chung, nên việc lựa chọn phương pháp để định giá cũng rất khác nhau, cùng một loại tài sản mỗi nơi có một phương pháp khác nhau và thường sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Nguồn: HKTHCM – Thẩm Định Giá Châu Á
Công Ty Thẩm Định Giá Châu Á
Đơn vị thẩm định giá uy tín lâu năm tại Miền Nam Việt Nam
(zalo,viber): 0949 888006 – 0945 009002 – (028) 6674 3333 A. Ẩn
6 + 8 Phan Huy Thực, phường Tân Kiểng, Quận 7, TPHCM
Comments are closed.